Hôm qua tôi có dịp dự hội thảo Sage Talk: “CMO và bài toán tăng trưởng thời 4.0”. Trong đó có bài chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích của anh Nguyễn Anh Dũng – Trưởng bộ phận Đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam. Vì đã note lại ở hội thảo nên tôi tranh thủ share ở đây luôn, kèm … bình luận cá nhân.
Hy vọng sẽ có một số insight cho các bạn marketer, hoặc idea cho các bạn đang tìm ý tưởng khởi nghiệp. Một vài xu hướng có thể bạn đã nghe nghóng được ở đâu đó, nhưng chưa rõ ràng, thì đây đã được khẳng định bởi các số liệu nghiên cứu của Nielsen.
Một số thông tin thị trường bán lẻ
Thị trường bán lẻ VN cực kỳ phân mảnh: có tới 1.5 triệu cửa hàng ở khắp nơi. Trong số này có tới 20-30 loại hình cửa hàng, trong khi hầu hết các nước châu Á khác chỉ có dưới 10 loại cửa hàng. Không có một nhà bán lẻ nào có thể phủ đa số các cửa hàng này, ngay cả một Vinamilk chuyên bán các mặt hàng sữa phổ thông cho mọi gia đình.
Địa lý và phân bố cửa hàng không đồng đều: miền Bắc có dân số đông hơn miền Nam nhưng số lượng cửa hàng ở miền Nam nhiều hơn khá nhiều.
Top doanh số các sản phẩm FMCG tiêu dùng nhanh là bia, kế đến là bột giặt. Bột giặt hẳn bạn đã thấy Tide và Omo đánh nhau triền miên từ nhiều năm nay. Còn bia, ThaiBev mới đổ 5 tỉ đô để mua Sabeco.
Một số xu hướng nổi bật
1. Vai trò của khu vực nông thôn/tỉnh lẻ ngày càng quan trọng hơn
Sự tăng trưởng đang đến từ các tỉnh và vùng nông thôn chứ các “mega city” như Hà Nội và Sài Gòn không còn là lực lượng chủ đạo nữa.
Một điều thú vị là nhu cầu về các sản phẩm cao cấp ở khu vực này đang tăng trưởng rất mạnh. Có lẽ vì thu nhập tăng nhưng sự lựa chọn của họ bị giới hạn hơn hẳn ở các thành phố lớn.
Chi tiết hơn tại một báo cáo về nông thông của Nielsen
2. Tăng trưởng của các cửa hàng tiện lợi – convenient store
Số lượng cửa hàng tiện lợi tăng gấp đôi từ 5000 đến 10.000 chỉ trong vòng hai năm vừa qua. Khi tôi ở Thái sống gần khu Terminal 21, chỉ trong vòng một km có tới… 11 cửa hàng 7 Eleven, nghĩa là cứ 100m có một cửa hàng, không thể tiện lợi hơn được nữa.
Cùng với xu hướng này, số lượng các siêu thị lớn gần như đi ngang tăng trưởng không đáng kể.
3. Các hộ gia đình nhỏ hơn nhưng giàu hơn đang dẫn dắt sự phát triển nhu cầu tiện lợi.
Đây là các hộ gia đình trẻ chỉ có hai vợ chồng hoặc vợ chồng và một hai con. Do bận bịu về công việc, thời gian nên họ sẽ chịu chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi hơn.
4. Người tiêu dùng đang mong muốn các sản phẩm cao cấp hơn
Sản phẩm cao cấp hơn không đơn thuần chỉ là về giá, mà còn là về thiết kế, cảm xúc cho người sử dụng, về sự khẳng định “đẳng cấp”.
Một ý của diễn giả khác anh Phạm Lê Thái, GĐ Marketing Vinamilk chia sẻ có thể minh hoạ cho xu hướng trên: “mọi người đến Starbuck không chỉ là vì cafe, vì không gian, mà còn để tìm kiếm personal brand identity”.
5. Sự gia tăng của việc quan tâm sức khoẻ
Mọi người đã quan tâm đến việc ăn kiêng, ăn các sản phẩm ít đường, ít béo… Và họ cũng ưa chuộng các dòng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Bổ sung: điều này cũng thể hiện trong xu hướng mua mỹ phẩm của các chị em.
Dĩ nhiên các than phiền về thực phẩm độc hại thì coi như là đương nhiên, nên không cần phải nhắc ở đây.
Một số xu hướng khác
Người Việt đang lão hoá. Đúng thế, bạn nghe ko lầm. Thông tin VN có dân số trẻ chúng ta đã nghe ra rả từ…10-20 năm trước. Đây cũng là cơ hội để các startup và cty phục vụ nhóm khách hàng từ trung niên trở lên. Tôi thì biết người Việt đang già khi bắt đầu được… gọi bằng chú.
Số lượng các cửa hàng bán cả sỉ và lẻ đang gia tăng. Có khoảng 25.000 cửa hàng chiếm 15-25% doanh số bán lẻ cả nước.
Các chuỗi cửa hàng hiện đại ở các ngách thị trường đang gia tăng và đem lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Chẳng hạn như concung, KidPlaza. Đây cũng là một ngách chiến lược mà Seedcom đang theo đuổi và đầu tư chiếm lĩnh thị trường.
Xu hướng in-store online shopping đang đi lên. Shopper vừa vào cửa hàng, siêu thị và vừa dùng mobile để kiểm tra thông tin.
Cuối cùng, để “win the consumers” thì phải hiểu rõ được nhu cầu và ước muốn của người tiêu dùng. Chứ chỉ tạo ra sản phẩm với công nghệ cao thì chỉ đủ cho bạn… tự sướng mà thôi.
Ngoài ra tôi còn thấy khi đi dự hội thảo ở những lĩnh vực bổ sung, chứ đừng đi các hội thảo của lĩnh vực mình đang làm, sẽ hữu ích hơn. Chẳng hạn tôi làm ecommerce đi dự hội thảo offline marketing như thế này sẽ học được nhiều điều hơn là đi các hội thảo về online digital.
Tham khảo thêm: Các xu hướng ở các thị trường đang phát triển trên thế giới, có cả VN